Đó là chia sẻ của chị Hoàng Thị Nguyệt, nhân viên khoa xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội), người dám đứng ra tố cáo vụ “nhân bản” hàng nghìn kết quả xét nghiệm xảy ra tại nơi mình làm việc.
Vụ tố cáo của chị Nguyệt đã được các ban, ngành của Hà Nội vào cuộc quyết liệt và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đối với 10 bị can.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, người tố cáo vụ "nhân bản" xét nghiệm
tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
Trước vụ việc, bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội tố cáo Bệnh Viện Mắt đã lừa hàng nghìn bệnh nhân với số tiền lên tới hàng tỷ đồng từ việc thay thủy tinh thể, chị Nguyệt cho rằng: “Tôi tin tưởng vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng vì bác sỹ Thủy có đủ chứng cứ mới đứng ra tố cáo sai phạm của bệnh viện. Bác sỹ Thủy cũng như tôi dám đứng ra tố cáo là vì quyền lợi của người dân, người bệnh thì bằng lương tâm, đạo đức nghề nghiệp phải lên tiếng. Tôi cũng như bác sỹ Thủy nếu chỉ biết sống cho bản thân mình thì sẽ không làm như vậy”.
Theo chị Nguyệt, việc chị Thủy một mình đứng ra tố cáo nếu báo chí không quyết liệt lên tiếng để phanh phui cũng như các cấp, ngành của thành phố Hà Nội không vào cuộc cương quyết thì sẽ rất khó đưa vụ việc ra ánh sáng.
“Theo tôi thì bác sỹ Thủy phải có niềm tin vào lẽ phải, tin vào sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND Hà Nội, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội, cũng như của báo chí thì sự việc sẽ được đưa ra ánh sáng”, chị Nguyệt nhấn mạnh.
Theo chị Nguyệt, khi biết những sai phạm trong việc “nhân bản” hàng nghìn kết quả xét nghiệm máu xảy ra tại bệnh viện, chị đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng của huyện, cũng như cấp sở, ngành của Thành phố Hà Nội.
“Ngày 17/5 tôi đã cùng 4 nhân viên khác của bệnh viện cùng ký vào đơn tố cáo và gửi đến các ban, ngành của thành phố Hà Nội, và ngày 3/6 tôi tiếp tục gửi đơn tố cáo đến PC46, Công an Hà Nội cũng như các cơ quan báo chí. Sau đó, nhờ có các cơ quan báo chí, công an và các ban, ngành của Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt để làm rõ những sai phạm tại bệnh viện này”, chị Nguyệt cho hay.
Trong thời gian gửi đơn tố cáo, chị Nguyệt bị rất nhiều áp lực, như việc ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã vận động rút đơn hay việc chị bị rải tờ rơi nói xấu, đến những tin nhắn đe dọa khiến chị rất hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, chị Nguyệt vẫn tin vào công lý, sự nghiêm minh của pháp luật và nhờ có báo chí lên tiếng, các cấp ngành của thành phố đã thanh kiểm tra làm rõ sai phạm khiến chị vững tâm vào công việc cũng như cuộc sống đời thường.
“Thú thực, trong thời gian tôi gửi đơn tố cáo sai phạm tại bệnh viện, do áp lực, tâm lý tôi cũng chẳng thiết ăn uống gì, suốt ngày chỉ lo nghĩ liệu lẽ phải có chiến thắng, liệu thành phố có cương quyết vào cuộc. Nhưng do có báo chí lên tiếng bảo vệ lẽ phải nên cũng giúp tôi bớt lo lắng. Mục đích của tôi khi đứng ra tố cáo sai phạm đơn giản chỉ vì lương tâm của người thầy thuốc muốn đưa vụ việc ra ánh sáng”, chị Nguyệt chia sẻ.
Theo chị Nguyệt, khi chị đứng ra tố cáo, ông Liêm đã tìm mọi cách đổ oan cho chị. Cụ thể ông Liêm đã tự ý lấy hơn 160 hồ sơ bệnh án rồi gán ghép, sửa chữa để vu oan cho chị. Tuy nhiên, lẽ phải đã chiến thắng, mặc dù người tố cáo luôn là người phải lo sợ, chịu nhiều thiệt thòi nhưng “cây ngay không sợ chết đứng” và vụ việc đã được Hà Nội vào cuộc và xử lý kịp thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét