Đến ngày 14/11, đã 27 ngày từ khi nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phi tang xuống sông Hồng vẫn chưa tìm được thi thể.
Hiện tại, gia đình nạn nhân đang rất bế tắc trong việc tìm kiếm thi thể. Đồng thời, cơn bão số 14 (Haiyan) vừa đi qua khiến nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết nên hi vọng tìm thấy thi thể người phụ nữ xấu số càng mong manh.
Bên lề buổi thảo luận tổ Đại biểu Quốc hội Hà Nội cuối tháng 10, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc công an Hà Nội chia sẻ có một số nhân chứng cho biết đã nhìn thấy đối tượng Nguyễn Mạnh Tường phi tang xuống sông.
Gia đình nạn nhân đã thuê thợ lặn, ngư dân cùng với công an phối hợp tìm kiếm nạn nhân. Như vậy đã có sự phối hợp giữa kinh nghiệm dân gian và khoa học hình sự, tuy nhiên vẫn không thể tìm thấy thi thể của chị Huyền.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá) cho rằng khó còn hi vọng tìm thấy thi thể của chị Huyền nếu như thực sự Nguyễn Mạnh Tường phi tang xuống sông Hồng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải trao đổi với phóng viên tại nhà riêng.
Về vấn đề tìm kiếm thi thể nạn nhân, ông Khải cho rằng cần phải thực nghiệm hiện trường một cách tỉ mỉ, chi tiết, gồm ba giai đoạn như sau.
Thứ nhất, dựng lại hiện trường tại cơ sở thẩm mỹ viện trên đường Giải Phóng, để bác sĩ từng bước từng bước một lặp lại những hành động mà bác sĩ đã làm với nạn nhân, kể cả cách bác sĩ hút, bơm, những động tác cấp cứu, những hành vi chuẩn bị phi tang thi thể trong thẩm mỹ viện.
Thứ hai, dựng lại từ lúc bác sĩ Tường đưa nạn nhân ra xe, để nạn nhân lên xe tư thế nào, vị trí nào, hành trình đi đường ra sao.
Thứ ba là tại cầu Thanh Trì, để bác sĩ diễn tả lại hành vi kéo lê nạn nhân thế nào, hai người khênh ném, hay chỉ có mình hắn kéo. Việc vắt được một tử thi đã chết 5, 6 tiếng lên được thành cầu cao ngang ngực là rất khó, ngoài ra, lan can cầu Thanh Trì có hai bậc, hắn rất khó có điểm tựa để có thể vắt nạn nhân lên và ném xuống.
"Việc nạn nhân tiếp nước ở tư thế nào cũng rất quan trọng. Giả sử kéo lê mà cầm hai vai kéo thì khi đặt lên lan can sẽ hất thế nào? Đầu rơi xuống trước hay chân xuống trước? Nếu đầu xuống trước sẽ rơi rất nhanh và sẽ cắm xuống nước sau đó sẽ nổi lên. Nếu hất chân xuống sẽ có sự quay người trong không gian. Còn nếu rơi cả thân nằm ngang theo dòng sông thì sẽ khác”.
Tiến sĩ Khải cũng khẳng định: “Việc thực nghiệm này, đáng lẽ ra công an phải làm ngay từ hôm 22/10, khi bắt bác sĩ Tường, chứ không phải để đến bây giờ. Còn tới ngày hôm nay, có làm lại những gì tôi nói, hi vọng tìm được thi thể của chị là rất khó. Những ngày mưa bão vừa qua, nói thật, tôi nghĩ xác xuất giờ chỉ còn 0%”.
Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia: Cần thực nghiệm hiện trường lại
"Tôi nghĩ cơ quan công an nên thực nghiệm lại hiện trường, có dựng lại hiện trường thật chu đáo thì mới xác định được lời khai có vấn đề gì không", Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Vũ Dương nhận định.
Ông Dương cũng cho rằng hiện trường nơi phẫu thuật cho nạn nhân cũng hết sức quan trọng: "Có thể chỉ là một cái ống đặt nội khí quản, một miếng gạc khô có dính máu, nước bọt, tế bào… của nạn nhân, cũng nói lên nhiều điều. Tôi cho rằng cơ quan điều tra sẽ không bỏ lọt các dấu vết này".
Thứ hai, cũng phải đặt ra vấn đề: Liệu nạn nhân có thực sự bị tử vong do tai biến trong phẫu thuật như lời khai hay không, hay thủ phạm còn gây ra một tội ác khác, ví dụ như cướp của, sau đó thủ tiêu nạn nhân che giấu tội phạm? Những chứng cứ tại phòng khám sẽ nói lên điều này. Rõ ràng, gây chết người do tai biến trong phẫu thuật sẽ nhẹ tội hơn là cướp của sau đó thủ tiêu nạn nhân".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét