Đối mặt với dịch sởi chưa có chiều hướng hạ nhiệt, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội ráo riết tìm biện pháp ứng phó.
Ngày cao điểm có 30 học sinh nghỉ học
Tại Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) từ đầu tháng 4 đến nay có nhiều trường hợp bị sốt, ngày cao điểm tới 30 học sinh nghỉ học do bị sốt phát ban đều được giáo viên cho nghỉ học.
Một số học sinh đang thi cuối kỳ 1 buộc phải đeo khẩu trang khi vào lớp để tránh bệnh sởi và phát ban có thể lây lan.
Bà Đinh Vân Hồng, hiệu trưởng nhà trường cho biết từ đầu tháng 4 đến nay nhà trường phối hợp cùng Trạm y tế phường Kim Liên và Phòng GD-ĐT quận Đống Đa về trường hợp này đã 2 lần phun thuốc khử khuẩn phòng dịch sởi tại các phòng học và khuôn viên nhà trường.
Học sinh Trường MN tư thục Minh Hải rửa tay sạch sẽ trước giờ ăn. (Ảnh: V.Chung)
Đến nay, theo bà Hồng tình hình đã bớt căng thẳng, học sinh phải nghỉ học vì bị sốt phát ban hoặc nghi sốt phát ban đã quay trở lại trường học bình thường.
Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên Lưu Thị Bích Hằng thông tin vào trung tuần tháng 3 tại Trường THCS Ngọc Lâm có tới 11 học sinh bị mắc sởi, buộc phải nghỉ học đi chữa bệnh.
Ngay lập tức trường được y tế quận tới phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên. Trường cũng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho phụ huynh về triệu chứng và cách phòng dịch sởi cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm cũng được yêu cầu thường xuyên hỏi han sức khỏe học sinh nghỉ học vì ốm, sốt. Nếu có trường hợp bị sởi phải báo cáo ngay cho trường.
Thông báo tình hình dịch sởi được nhiều nhà trường cập nhật và treo ở lối đi lại để phụ huynh
tiện nắm bắt. Ảnh chụp tại Trường MN tư thục Minh Hải, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: V.Chung)
Trường mầm non ráo riết chống sởi
Ngay từ khi dịch sởi xuất hiện, nhiều trường mầm non đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để phòng chống dịch hiệu quả như phun thuốc khử trùng quanh khu vực lớp học, vệ sinh chân tay cho trẻ thường xuyên, khử trùng dụng cụ học tập, ăn uống…
Cô Nguyễn Thị Huyền, hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Anh Đào, Từ Liêm cho biết, ngay từ khi nghe tin về dịch sởi, nhà trường đã bắt đầu triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
“Bộ phận y tế của trường kiểm tra sức khỏe của các cháu ngay trong giờ nhận trẻ, cháu nào ốm thì nhà trường sẽ trao đổi với phụ huynh đưa cháu về nhà chăm sóc để tránh ảnh hưởng đến các cháu khác. Tăng cường vệ sinh các phòng nhóm và quanh khu vực trường. Đảm bảo vệ sinh ăn uống tuyệt đối. Khăn mặt, cốc uống nước, bát thìa của trẻ được hấp, sấy khô trước khi sử dụng. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sau khi ăn, nhỏ mắt mũi bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng...", cô Huyền chia sẻ.
Cô Huyền cho biết, nhiều phụ huynh lo lắng về dịch bệnh nên thường xuyên gặp các cô để hỏi thăm tình hình và băn khoăn có nên cho con đến lớp hay không. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng, cũng hỏi các cô là có nên cho con ở nghỉ ở nhà hay không.
Tại Trường Mầm non Chu Văn An, Hà Nội, công tác phòng chống dịch sởi cũng được triển khai từ rất sớm. Công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ như rửa tay sau khi chơi đùa và trước khi ăn, khử trùng đồ chơi, khuôn viên trường lớp hàng ngày, cho trẻ súc miệng bằng nước muối thường xuyên...được thực hiện nghiêm ngặt.
Phương án được nhiều trường áp dụng là thống nhất quan điểm “không dấu dịch”, công khai thông tin nếu có trẻ nhiễm bệnh để tránh lây nhiễm chéo.
Nhiều trường mầm non tại HN gắt gao thực hiện các biện pháp vệ sinh,
phòng chống bệnh. (Ảnh: K.Minh)
Tại một trường mầm non quốc tế trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội học sinh còn được 3-4 y tá của trường cho cặp nhiệt độ trước khi vào lớp. Cháu nào trên 37 độ C ngay lập tức được thông báo cho phụ huynh đưa con về....
Phụ huynh bắt tay phòng dịch
Trong khi nhiều trường sốt sắng thì không ít trường vẫn đủng đỉnh đối phó với dịch sởi.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên cho biết việc phun dung dịch khử khuẩn trường đã làm đầu năm. Đến nay khi dịch sởi đang bùng phát trường vẫn “bình tĩnh đối phó” và “trường chưa vội phun dung dịch vì dịch chưa tới đây”.
Tại các huyện ngoại thành như Mỹ Đức, Thạch Thất hay Mê Linh nhiều phụ huynh phản ánh từ khi dịch sởi bùng phát, nhiều trẻ đã chết vì sởi nhưng không ít trường vẫn không có động thái gì để phòng dịch.
“Gần 2 tháng nay giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường không đề cập gì đến vấn đề dịch sởi, phụ huynh cũng không được thông báo cần chú ý hơn đến tình hình ốm đau của con” – một phụ huynh có con học tiểu học tại huyện Mê Linh chia sẻ.
Trong khi đó, một phụ huynh có con học tiểu học tại huyện Thạch Thất bức xúc: “Trường nói dung dịch khử khuẩn đã có nhưng trách nhiệm phun là của phụ huynh. Hiệu trưởng trực tiếp yêu cầu chúng tôi phải sắm bình xịt, không làm thì cứ để đó”.
Lo lắng về dịch bệnh nhưng lại không thể cho con nghỉ ở nhà vì không có người trông, nhiều phụ huynh chọn cách kết nối chặt chẽ với nhau để cùng theo dõi tình trạng sức khỏe của các con.
Chị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đang gửi trẻ ở một trường tư thục ở gần nhà, ngay khi biết có dịch, chị đã sử dụng nhiều biện pháp để phòng tránh cho con nhưng vẫn rất lo lắng. Hội phụ huynh ai cũng lo “sốt vó” nên càng gắt kết với nhau hơn.
“Các mẹ thống nhất quan điểm là con nhà ai ốm thì không đưa đến trường để tránh ảnh hưởng đến các bé khác. Hội phụ huynh các lớp cũng liên lạc chặt chẽ với nhau để nắm được tình hình chung của trường, nhiều khi có bé lớp này lớp kia mắc sởi mà nhà trường không muốn công bố thì cũng nguy hiểm”, chị Hiền chia sẻ.
Ngày 22/4 Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương trong phòng, chống dịch sởi.
Theo đó, các trường phải thông báo ngay cho các đơn vị y tế sở tại khi phát hiện có học sinh mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời. Bộ GD-ĐT cũng đặc biệt lưu ý công tác vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh và vấn đề an toàn thực phẩm tại các nhà bếp là những nơi tiềm ẩn nguồn bệnh sởi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét