Đám cưới của cô dâu lớp 10 "kiêm tiểu thư" nhà Chủ tịch xã với chú rể lớp 11 khiến làng xóm thấy như... động trời. Tất cả chỉ vì cái bụng lùm lùm của cô dâu tuổi teen.
Kết thúc đám cưới, khi con gái đã yên ổn bên nhà chồng, gia đình ông Lê Công Quẩn – Chủ tịch xã Phú Thuận (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) lại buồn bã, lo lắng. Đi đâu ông cũng nhận được những ánh mắt xoi mói của người dân, những chỉ trích của dư luận.
Trao đổi với phóng viên, ông cho biết, con gái đã mang thai gần hai tháng nên phải gả gấp. “Tôi đã không quan tâm con mình cẩn thận để nó yêu đương ở lứa tuổi học trò. Tôi biết làm như thế này là sai nhưng cũng không thể để con mình bụng mang dạ chửa như vậy được. Ai làm cha làm mẹ rồi thì mới hiểu được cho hoàn cảnh của tôi”, ông Quẩn giãi bày.
Đám cưới “con nít” tại ủy ban xã
3h chiều 11/7 (thứ sáu), người dân ở xã Phú Thuận có việc đến trụ sở ủy ban xã đều phải mất công quay về, vì hầu hết các phòng ban trong xã đang tất bật chuẩn bị dự một đám cưới diễn ra ngay tại sân ủy ban. Đó là lễ vũ quy của cô dâu vừa học xong lớp 10 (sinh ngày 29/8/1998) và chú rể vừa học xong lớp 11 (ngụ ấp Đồng Tâm, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Đám cưới này có nhiều điểm khiến dư luận xôn xao: thứ nhất, cô dâu là “tiểu thư” con ông Lê Công Quẩn - Chủ tịch xã Phú Nhuận; thứ hai: cả cô dâu và chú rể đều đang học phổ thông, chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định; thứ ba: đám tảo hôn này lại được hai bên gia đình tổ chức rình rang ngay tại trụ sở ủy ban xã, trong giờ hành chính.
Tiệc cưới diễn ra hết chiều cùng ngày trong không khí vô cùng náo nhiệt. Hàng trăm thực khách, trong đó có nhiều quan chức trong xã, huyện cũng đến chung vui.
Ảnh đám cưới con gái ông Chủ tịch xã Phú Thuận được tổ chức tại ủy ban xã.
Nhiều người dân địa phương bức xúc, đặt câu hỏi: “Như vậy là vi phạm pháp luật, là làm sai quy định của nhà nước rồi còn gì nữa”, và “Tại sao chính quyền xã Phú Thuận lại “làm ngơ”, còn cho mượn trụ sở làm địa điểm tổ chức”?
Trả lời điều này, ông Lâm Chí Thảo - Bí thư xã Phú Thuận cho biết: Việc ông Chủ tịch Quẩn tổ chức đám cưới cho con gái chưa đủ tuổi là có thật. Dù trong nhiều cuộc họp, ban lãnh đạo xã đã nhắc nhở, góp ý nhưng không ngăn cản được. Ông Quẩn lấy lý do con gái mình từng học lưu ban một lớp nên ông có sửa lại số tuổi nhỏ hơn một năm, còn thực tế con gái ông đã đủ tuổi thành niên.
“Ông Quẩn cho biết trước đám cưới của con đã đi làm đơn xác nhận lại tuổi thật của con mình nhưng chưa được. Trong khi đó, thiệp đám cưới đã cận kề nên không thể hủy”, ông Bí thư xã nói.
Ông này cũng cho biết vì nhà ông Chủ tịch không có không gian nên phải mượn sân ủy ban để tổ chức. Trước đây, xã đã nhiều lần cho người dân mượn sân để tổ chức đám lễ chứ không riêng gì trường hợp này.
Cưới trước, xử lý sau
Người dân tại xã Phú Thuận có nhiều ý kiến trái chiều. Một người cương quyết cho rằng: “Dù gì ông Quẩn cũng là Chủ tịch của một xã, biết sai mà vẫn làm là không thể chấp nhận được. Ông ấy là “quan”, “quan” không gương mẫu thì làm sao dân phục được. Con mình đã như vậy thì nên tổ chức đám cưới kín đáo, lặng lẽ, như vậy thì người ta còn thông cảm, đằng này đã biết sai mà lại làm rình rang thế này. Ông ấy làm vậy có khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Pháp luật phải xử lý những việc như thế này thật nghiêm minh”.
Có người còn gay gắt hơn, cho rằng chú rể trong đám cưới này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự vì làm cô dâu mang thai khi chưa đầy 16 tuổi.
Trụ sở Ủy ban xã Phú Thuận.
Dù vậy, không ít ý kiến lại tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của nhà trai, nhà gái, khi cô dâu, chú rể đã trót “ăn cơm trước kẻng”. Một người nói: “Dù gì thì con cái cũng đã trót lỡ rồi. Chẳng lẽ lại bỏ cái thai đi, nghe đâu nhà trai cũng đã sang nhận trách nhiệm, xin cưới hỏi đàng hoàng. Cha mẹ nào chẳng thương con. Ông Quẩn cũng thương con nên “quẩn” trí luôn, không biết làm gì hơn. Đời người con gái chỉ một lần lấy chồng, chẳng nhẽ lại làm qua loa thì tủi thân quá”.
Lãnh đạo xã Phú Nhuận cho biết đang xem xét xử lý về vụ việc trên. Còn người dân vừa hồi hộp chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng, vừa không khỏi nghi ngờ khả năng sự việc sẽ bị “chìm xuồng” bởi trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn ở đây không phải hiếm. Đặc biệt vài năm trở lại đây, thực trạng tảo hôn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long càng nhức nhối.
Nguyên nhân hầu hết xuất phát từ việc thiếu hiểu biết của người dân quê. Hơn nữa, với tập quán sinh sống bao đời nay, người dân nơi đây xem việc dựng vợ gả chồng cho con cái trước tuổi pháp luật quy định cũng không phải là chuyện gì “động trời”. Nhưng khi đám cưới này diễn ra trong gia đình của một vị Chủ tịch xã thì dư luận mới bàn tán xôn xao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét