Chiều 28/9, anh Võ Văn Hưởng, ngụ ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát đã mang theo hơn 1 kg bạch tuộc tươi sống đến Báo Bình Dương với tâm trạng bức xúc.
Theo anh Hưởng, sáng cùng ngày anh về thăm bố mẹ ở khu phố 7, phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, thì được bạn là anh Tô Văn Tú (hiện đang làm quản lý tại một khách sạn ở phường Phú Thọ) tặng 2 kg bạch tuộc, bảo rằng mới mua từ chợ Thủ Dầu Một, nên anh Hưởng liền chế biến để ăn. Tuy nhiên, khi dùng dao cắt bạch tuộc thì phát hiện có dấu hiệu khác thường, bởi chúng rất dai, đưa lên mũi ngửi cũng không thấy có mùi tanh như loài bạch tuộc thông thường. Sau đó, anh cắt bạch tuộc để nướng cũng không thấy có mùi vị gì cả, chỉ co giúm lại như một cục mủ cao su. Anh Hưởng đem hết số bạch tuộc này để gần đống rác nhưng cũng không có một con ruồi nào đến đậu.
Số bạch tuộc được anh Hưởng phản ánh.
Nghi ngờ đây là bạch tuộc được làm giả nên anh Hưởng đã nhờ nhiều người nội trợ, người chuyên buôn bán hải sản tươi sống xem giúp thì đều nhận được câu trả lời “bạch tuộc giả”. Còn việc nó được sản xuất từ đâu, làm bằng chất liệu gì không ai biết được. Anh Hưởng cho biết, “đây không phải lần đầu gia đình tôi phát hiện hàng hải sản được làm giả. Cách đây không lâu, người nhà của tôi cũng đã mua nhầm nhiều kg mực khô, sau khi ăn vào mới phát hiện là giả”.
Anh Hải, một người có kinh nghiệm trong việc mua bán hải sản ở phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, cho biết bây giờ người dân thỉnh thoảng vẫn bị mua nhầm loại bạch tuộc tươi sống bị làm giả. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ sẽ dễ dàng nhận biết, chúng có màu xám trắng, nhợt nhạt như hàng bị ươn. Hơn nữa, phần thân của bạch tuộc lép mỏng và không rõ hình dáng. Râu của bạch tuộc giả rất dài mà mềm nhũn…
Qua những thông tin mà anh Hưởng, anh Hải đã cung cấp, khi chọn mua loại bạch tuộc tươi sống bà con cần xem xét kỹ, tránh mua nhầm mặt hàng này. Hơn nữa, khi phát hiện người bán, bà con phải báo cho cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý.