LTS: “Sát thủ xác chết không đầu” là cụm từ mà nhiều người dùng để gọi Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại tổ 7, phường Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng).
Trước đó, ngày 17/5/2010, tại tầng thượng, chung cư G4, khu đô thị Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), người ta phát hiện một xác chết. Rùng rợn hơn khi đầu và 10 ngón tay nạn nhân đã không còn. Hung thủ bị bắt sau 1 ngày điều tra, đó là Nguyễn Đức Nghĩa và nạn nhân là Nguyễn Phương Linh (SN 1984, người yêu cũ của Nghĩa). Trước tòa, Nghĩa khai đã giết, cắt rời phần đầu, chặt hết 10 đầu ngón tay nạn nhân rồi cho vào túi nilon ném xuống một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh. Mục đích giết người của Nghĩa là để cướp tài sản. Tòa đã tuyên án tử hình với Nguyễn Đức Nghĩa. Hiện Nghĩa đang bị giam giữ nghiêm ngặt chờ ngày thi hành án tử bằng tiêm thuốc độc.
Nhiều năm trôi qua nhưng vụ việc này vẫn được nhắc đến vì mức độ man rợ của Nghĩa. Hành vi của sát thủ này đã phải trả giá, thế nhưng, những người thân đã gượng sống ra sao sau tội ác tày trời của Nghĩa?
Gần 3 năm sau vụ án "xác chết không đầu" do sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa gây ra, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh tại phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) với mong muốn tìm gặp lại hai đấng sinh thành của Linh.
Thân hình mảnh khảnh, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt quầng lên vì mất ngủ, ông Ba (bố của Phương Linh) tỏ rõ sự mệt mỏi. Sau những lời chào hỏi ban đầu, giọng của ông Ba nhỏ dần và các câu nói ngắn gọn, đứt quãng nhưng hàm chứa nhiều nỗi đau đớn, xót xa.
"Giờ vụ án đã xử xong, có mong muốn, có thù hận thì nào được gì... Con tôi cũng đâu thể quay về. Mọi thứ đã được pháp luật xét xử, phân định rõ ràng rồi. Bây giờ, người sống cố gắng làm sao mà sống cho tốt, đừng ai để xảy ra những chuyện đau đớn như thế...", ông Ba xót xa.
Ngôi nhà của gia đình nạn nhân Phương Linh.
Rồi ông nghẹn ngào: "Chúng tôi đau lắm nhưng giờ có nhớ con cũng đâu thể làm gì được, hãy cứ để mọi chuyện trôi đi cho thanh thản".
Ngày đó, khi thi thể nạn nhân tại chung cư G4 Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) được xác định là cô con gái mất tích nhiều ngày nay, cả gia đình ông Ba suy sụp. Bà Thu (vợ ông) sức khỏe yếu từ trước, khi nghe tin dữ, bà gần như đã "chết đi sống lại" nhiều lần vì đau đớn.
Nỗi đau càng tăng lên khi thi thể con gái không còn nguyên vẹn. Vợ ông không thể gắng gượng được, bà cứ thẫn thờ khi ngắm ảnh con. Vợ như vậy, con trai thì còn nhỏ tuổi, ông Ba đã nén nỗi đau để cùng với các điều tra viên ròng rã hàng tháng trời tìm kiếm phần thi thể của con gái đã bị Nghĩa phi tang.
Gia đình ông đã nhận được những lời động viên, chia sẻ, sự đồng cảm của họ hàng, bạn bè và cả dư luận xã hội. Thế nhưng, trong sâu thẳm trong tâm can người cha này, nỗi đau đó có lẽ không bao giờ nguôi ngoai.
Ông Ba tâm sự, từ sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, sức khỏe của ông yếu đi nhiều và dù đã cố gắng nhưng cho đến tận bây giờ, người cha bất hạnh này vẫn chưa bao giờ được yên giấc.
"Giờ tôi có tuổi rồi lại mắc bệnh xương khớp, mấy đốt sống bị vôi hóa nên cứ trở trời là lại đau nhức suốt. Đi khám rồi thuốc uống nhưng không ăn thua. Tôi cũng chẳng thể nào ngủ được nhiều, nửa đêm thức giấc rồi mất ngủ cũng là chuyện bình thường...
Nhưng dù thế nào thì tôi cũng phải cố gắng để làm điểm tựa cho vợ con chứ biết sao bây giờ...", ông Ba nói trong ánh mắt buồn.
Khi được hỏi về sức khỏe của vợ, ông Ba chia sẻ, sau cái chết của cô con gái, vợ ông gần như suy sụp hẳn và giờ sức khỏe yếu đi rất nhiều.
Theo một vài người hàng xóm, kể từ sau khi sự việc xảy ra, bà Thu chỉ đi lại chủ yếu trong ngôi nhà của mình như cái bóng. Ngoài công việc nội trợ, bà ít giao tiếp với bên ngoài. Đôi khi như người mất hồn, bà cứ đi lại trong vô thức, thỉnh thoảng hàng xóm vẫn nhìn thấy bà cứ tất bật đi lại vào giữa các buổi trưa, bất kể dù mưa hay nắng.
Ông B., một người hàng xóm nói: "Nhiều lúc, có người nào đó trò chuyện với chồng về cái chết oan uổng của Linh, bà Thu lập tức phản ứng rất mạnh. Bà còn xua đuổi, thậm chí còn tỏ thái độ rất gay gắt. Hàng xóm chúng tôi cũng biết và mọi người đều hạn chế tối đa khi nói chuyện buồn này, đặc biệt là nhắc đến tên của cháu".
Thái độ gay gắt của bà Thu là một điều hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ, mỗi lần nhắc đến tên cô con gái xấu số là vết thương lòng lại trỗi dậy khiến bà không thể kiềm chế nổi. Nỗi đau quá lớn, quá bất ngờ khiến người đàn bà vốn tính hòa nhã, hiền hậu thay đổi tính nết.
Người mẹ đáng thương ấy không muốn tin vào sự thật rằng Linh đã không còn nữa, và sự nổi cáu của bà phải chăng cũng chỉ là cách để lấy niềm tin vào cuộc sống, sống tiếp những chuỗi ngày tiếp theo.
Rời khỏi ngôi nhà khi những ánh nắng cuối đông đã dần tắt, gương mặt đượm buồn, rớm lệ của người cha nạn nhân khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ.
Thời gian, sự an ủi của mọi người có thể làm vết thương của những bậc làm cha, làm mẹ bớt phần đau đớn nhưng sâu thẳm đó vẫn là nỗi đau chẳng thể nói thành lời. Dù Nghĩa có bị tử hình thì chắc chắn, nỗi bất hạnh của cả hai gia đình cũng chẳng thể nguôi ngoai...