Ngay giữa Hà Nội, hàng trăm hộ dân hàng ngày phải đi lại, sinh hoạt ngay dưới đường ống nước thải chằng chịt, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối.
Ít ai có thể tin rằng, những hình ảnh kinh hoàng của hàng trăm đường ống nước thải lại thuộc khu tập thể của cán bộ, nhân viên một trường đại học.
Đó là khu tập thể E4 Đại học Y Hà Nội, được xây dựng cách đây 40 năm. Những đường ống nước thải bao quanh khu tập thể cũng đã tồn tại trên 20 năm. Ban đầu, khu nhà được dùng làm kí túc xá sinh viên sinh viên sau đó chuyển thành phòng làm việc của trường, cuối cùng được chia nhỏ ra phân cho cán bộ trong trường.
Mỗi phòng ở đây có diện tích 24m2 với chiều ngang 3,5m, chiều dài 6m. Sau khi được chia đôi, trừ tường dày 10cm ngăn giữa hai nhà, mỗi nhà có chiều ngang 1,7m, dài 6m. Từ 60 phòng cách đây 40 năm, sau khi chia nhỏ và cơi nới, hiện tại khu nhà là nơi sinh sống của hơn 130 hộ dân.
Trèo qua giường để vào nhà, sống dưới những đường ống nước thải là tình cảnh mà người dân
Khu tập thể E4 ĐH Y Hà Nội đang phải gánh chịu
Trong những căn nhà 12m2 ấy, rất nhiều nhà không có giường. Nhà có giường thì phải trèo qua để vào nhà. Không có bếp nên hầu hết các hộ dân phải nấu nướng tại không gian được cơi nới ở hành lang. Có những nhà, tổng diện tích cả vệ sinh, nấu nướng và tắm rửa chỉ vẻn vẹn 2m2.
Ông Hoan, người sống tại khu tập thể này từ năm 1993, cho biết, những đường ống chằng chịt ở đây bao gồm cả ống gồm cả nước sạch lẫn nước thải toilet. Tất cả đều do các hộ dân ở đây tự lắp đặt. Người dân sống tại khu tập thể thường xuyên phải chịu cảnh nước tràn ra từ đường ống, trong đó có cả nước thải sinh hoạt lẫn nước thải bồn cầu.
Hôi thối, ruồi muỗi, người dân sinh sống tại đây đã phải sống chung với không gian ô nhiễm cả chục năm trời. Nhiều nhà khi ăn cơm phải đóng kín cửa, đeo khẩu trang. Người dân tại đây đã nhiều lần kêu cứu lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay, họ vẫn phải chung sống với những đường ống nước thải "ngay trên đầu".
"Tổ dân phố cũng đề nghị người dân cùng đóng góp để cải tạo. Tuy nhiên, nếu chỉ có các hộ dân làm thì sẽ không khả thi. Cách tốt nhất là Nhà nước và người dân cùng làm" - ông Hoan đề xuất.
Dưới đây là chùm ảnh về khu tập thể ổ chuột: