Thứ nhất là “đúng quy trình”, thứ hai là “lỗi đánh máy” và thứ 3 là “do yếu tố khách quan”.
Trước cơn lốc thổi bay hóa đơn tiền điện của các hộ dân lên một tầm cao mới, khi phát hiện cả các trường hợp số công tơ bị ghi sai, lãnh đạo ngành điện vẫn kiên trì giải thích là do yếu tố khách quan đồng thời đẩy trách nhiệm cho người dân phải vào cuộc giám sát.
Nếu lọc ra 3 cụm từ đóng vai trò cứu tinh cho các cơ quan, ban ngành hiện nay thì có thể xướng danh các “người hùng” sau: thứ nhất là “đúng quy trình”, thứ hai là “lỗi đánh máy” và thứ 3 là “do yếu tố khách quan”. Chỉ loanh quanh mấy chữ tưởng đơn giản thế thôi mà thiên biến vạn hóa, áp dụng vào trường hợp nào cũng được, thế mới tài tình.
Lại nói đến chuyện trong cuộc họp báo của Bộ Công thương tổ chức hôm 7/7 để giải thích lý do khiến hóa đơn tiền điện của hàng loạt hộ dân ở Hà Nội và một số nơi khác tăng cao, đáp án cuối cùng đã được ngành điện giải thích là “do các yếu tố khách quan”. Thật là chuẩn không cần chỉnh.
May sao các hóa đơn tiền điện tăng đúng vào tháng 6 nắng nóng, trẻ con nghỉ hè ở nhà, thế là các “yếu tố khách quan” này được đưa ngay vào để lãnh đạo ngành điện giải thích cho dân.
Hóa đơn tiền điện tăng vọt nhưng toàn do yếu tố khách quan.
Thế nhưng còn các yếu tố không hề khách quan khác như việc hàng loạt công tơ bị ghi sai ở Nghệ An và ngành điện đã phải trả lại tiền cho khách hàng thì có phải là khách quan không nhỉ?
Thông tin trên báo cho biết, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), có tới 200/300 công tơ của dân bị một số công nhân ghi sai số mà không hề kiểm tra công tơ, chỉ ghi theo… ước lượng của tháng trước đó.
Cho dù các công nhân này đã bị đình chỉ công tác nhưng đó chỉ là “các cán bộ bị lộ”, dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ còn bao nhiêu “trong đống rơm” chưa bị phát hiện ra.
Được biết trong cuộc họp báo, khi bị chất vấn về các yếu tố “không khách quan” này, đại diện Tổng công ty điện lực Hà Nội nói rằng người dân có thể xem, kiểm tra, đối chiếu hóa đơn.
Thế nhưng tôi nghĩ đây chưa phải là nước cờ cao. Tôi đánh giá ông Đinh Thế Phúc- Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có chiến lược cao hơn, vì ông đã đề nghị EVN xây dựng cơ chế để người dân có thể trực tiếp giám sát việc ghi chỉ số công tơ.
Đấy nhé, cứ dài mồm kêu “nhà đèn” ghi sai, ăn gian nói dối à, thế thì mời các ông bà dân thoải mái tha hồ vào mà giám sát.
Đến khổ cho dân, từ trước tới giờ cứ tin tưởng hoàn toàn vào các cán bộ nhà nước, cứ ngoan ngoãn hàng tháng móc tiền nộp cho đúng cho đủ theo hóa đơn, chậm vài ngày là bị cắt điện. Thế mà giờ phát giác ra có “một bộ phận” các cán bộ ngành điện làm sai, ăn gian nói dối thì lại được vinh dự gánh thêm trách nhiệm “giám sát việc ghi chỉ số công tơ”.
Thế là thế nào nhỉ các bác dân? Tức là hàng tháng chúng ta phải căn ke đúng lúc cán bộ ngành điện đến ghi số, rồi chủ nhà lại cum cúp trèo lên cột điện kiểm tra xem mình công tơ nhà mình có bị “làm điêu” không, còn nếu không leo được lên cột điện lúc ấy thì gắng mà dốc tiền đóng hóa đơn đã bị “làm xiếc”, cấm kêu.
Nghĩ đi nghĩ lại thấy dân muôn đời là khổ nhất. Dân đóng thuế nuôi các bác ngành điện để các bác phục vụ dân nhưng hóa ra chỉ được các bác ban phát đến đâu thì hưởng đến đó.
Dân phải mua điện độc quyền, giá tăng thế nào dân cũng không được quyền có ý kiến. Thế mà giờ đến lúc phát hiện ra có chuyện chỉ số công tơ bị ghi sai, dân cũng phải vào cuộc tự mình giám sát, chẳng có ai đứng ra “xử vạ” cho.
Tôi nghĩ chắc nhiều người cũng như tôi, giá mà dân chúng được quyền, chúng tôi sẽ tự nguyện đóng góp tiền để thuê một lực lượng độc lập vào thanh tra, giám sát ngành điện.
Không chỉ là chuyện ghi số công tơ mà còn rất nhiều vấn đề khác, như công thức tính giá điện thế nào, minh bạch ra sao, tại sao giá điện chỉ có tăng và tăng mà năm nào ngành điện cũng kêu lỗ? Mà kinh doanh lỗ như thế thì tại sao từ năm 2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại phải yêu cầu ngành điện ngừng ngay việc đầu tư dàn trải ra ngành ngoài?
Chung quy muôn sự cũng chỉ tại cái chữ độc quyền, ngành điện, ngành xăng cứ tự vừa đá bóng vừa thổi còi, quyền hành trong tay, muốn vuông thì vuông muốn méo thì méo. Dân thì chỉ còn cách méo mặt mà đóng tiền thôi, toàn yếu tố khách quan cả, có mà kêu đằng giời.
Thế nên mới có người nói vui: “Khách quan là khách quan nào? Loanh quanh như thế bảo sao dân nghèo”.