Đó là vụ việc xảy ra cách đây gần 8 tháng, Đức đã gây ra vụ án khiến dư luận bàng hoàng, nạn nhân của hắn là người vợ bệnh tật, ốm yếu, phải ngồi xe lăn 3 năm nay. Nước mắt tái ngộ đớn đau.
Chiều 20/1, Nguyễn Kim Đức (49 tuổi, trú ở phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án tù chung thân về tội "Giết người".
Bị cáo Nguyễn Kim Đức
Hôm nay, trước tòa, Nguyễn Kim Đức được gặp lại người mẹ già đã gần 80 tuổi cùng hai đứa con trai. Tình máu mủ khiến họ bật khóc khi nhìn thấy nhau, vì vậy, xen lẫn giữa những tiếng đọc cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát, là những tiếng khóc nghẹn ngào của người mẹ già.
Ông T. - bố của bị cáo vì quá yếu nên không thể đến dự phiên tòa, nhưng suốt đêm qua, ông cũng như bà vợ già không sao ngủ được, chỉ mong trời sáng để cùng mọi người tới tòa gặp con trai.
Ông chẳng biết chuyển lời tới Đức như thế nào, vì nỗi đau mà nó gây ra cho vợ, cho hai đứa cháu tội nghiệp và cho chính những thân già sắp gần đất xa trời như vợ chồng ông khiến nhiều tháng nay ông bà sống trong nỗi xót xa, câm lặng.
Nguyễn Kim Đức trông gầy sọp hẳn đi so với hồi mới bị bắt. Nhìn hắn đứng trước vành móng ngựa với bộ dạng rúm ró, thảm hại trong bộ quần áo dường như quá rộng so với cơ thể khiến những người thân của hắn không khỏi chạnh lòng.
Trong trại giam, không có rượu để giải sầu như trước đây mỗi sáng hắn đều cắp nách chai rượu trắng và ngồi trước cửa, sau khi tu chán, say nhè rồi thì quay sang chửi vợ. Đầu óc Đức vì thế mà cũng tỉnh táo hơn rất nhiều.
Hắn có thời gian nghĩ tới việc mình làm, nghĩ tới thời gian vợ bệnh tật và chợt nhận thấy câu các cụ thường tổng kết: "Gái thương chồng đương đông buổi chợ. Trai thương vợ nắng quái chiều hôm". Nghĩa là cũng có lúc hắn chăm lo, cơm cháo cho vợ đau yếu, nhưng đó chỉ là cái cơn "nắng quái" vụt lên một lúc rồi tắt hẳn trước khi chìm vào bóng đêm. Đêm qua cũng như rất nhiều đêm khác trong trại tạm giam, Đức không hề chợp mắt, gần sáng, hắn mệt quá mới thiếp đi một lúc thì lại bị gọi dậy để chuẩn bị ra tòa.
Trước đây thì hắn không ngủ được vì ân hận, vì ám ảnh tội lỗi và trong đầu luôn hình dung ra cảnh người vợ bệnh tật hoảng loạn bám một tay còn khỏe duy nhất vào thành cầu, tuyệt vọng nhìn hắn, nhưng hắn đã nhẫn tâm gỡ bàn tay ấy khiến người vợ rơi tự do xuống dòng nước. Còn đêm trước khi phiên tòa diễn ra, Đức không ngủ được vì hồi hộp đợi đến giờ được nhìn thấy người thân, nhìn thấy hai cậu con trai. Một cán bộ trại giam dẫn giải kể lại, Đức không phải là thành phần giang hồ cộm cán nên hắn không có được thái độ lạnh lùng, bình thản khi đi ra tòa xét xử, trái lại, tinh thần hắn nôn nao, bồn chồn thể hiện ra mặt, thậm chí, có lúc bước vội hắn còn bị vấp.
Nỗi đau của hai đứa trẻ mất mẹ càng bị nhân đôi khi chúng buộc phải chứng kiến những lời khai của người cha về việc đã ném xác mẹ chúng xuống sông như thế nào. Cậu con út của Đức năm nay mới học lớp 8 khóc nức nở từ đầu phiên xét xử cho đến khi kết thúc. Cậu con lớn đã đi làm thì có vẻ bình tĩnh hơn nhưng cũng không tránh được những lúc nghẹn ngào.
Còn nhớ, khi vụ án mới xảy ra, chúng tôi tìm tới nhà nạn nhân để thắp cho chị một nén nhang. Lúc đó, xác nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy, gia đình và chính quyền phường Giang Biên, huyện Gia Lâm vẫn đang đi tìm. Tiếp chúng tôi chỉ có ông bà T. - bố mẹ của Nguyễn Kim Đức.
Cả buổi sáng, ông T. ngồi câm lặng, còn bà vợ đau đớn ngồi nhìn di ảnh con dâu. Ở góc nhà, tiếng tụng kinh đều đều phát ra từ chiếc đài nhỏ khiến không khí tang thương càng như đặc quánh lại. Hôm nay trước tòa, người mẹ già của Đức cũng chỉ biết khóc, không thể nói được với con trai lời nào. Cứ ngỡ cảnh cuối đời được an nhàn, sống vui vầy với con cháu, nào ngờ ông bà T. phải chứng kiến tai họa đổ xuống đầu hai đứa cháu non nớt của mình.
Nhờ mẹ gửi lời báo hiếu tới cha
Không có phiên tòa nào đau đớn hơn ở những phiên tòa như thế này, khi thủ phạm chính là cha của các con nạn nhân. Và càng đau đớn hơn nữa đối với những đứa con khi phải nghe người cha kể về tội ác đã gây ra với người mẹ của mình, đồng thời nghe Tòa luận tội, tuyên án cha mình.
Cùng đến dự phiên tòa, ngoài mẹ đẻ của Nguyễn Kim Đức và hai cậu con trai của hắn, còn có rất đông anh em hai bên nội ngoại và những người hàng xóm thân thiết, nhưng không giống như các phiên tòa khác, bên nguyên bên bị không phải ngồi riêng biệt hai bên và thường dành cho nhau những ánh mắt nảy lửa, ở phiên tòa này, vì người thân của bị cáo cũng là người thân của bị hại và đều là người một nhà nên sự sẻ chia, thông cảm lẫn nhau của họ lại càng khiến phiên tòa ngậm ngùi hơn.
Cứ theo như những gì Nguyễn Kim Đức trình bày tại tòa thì có thể nhận thấy, Đức đã bị ảnh hưởng thần kinh do một thời gian uống quá nhiều rượu. Dù ý thức rất rõ là ân hận khi đã gây ra cái chết cho vợ, nhưng hắn lại dùng nhiều từ ngữ rất ngô nghê và tỏ ra vô cảm khi nói: "Tôi đã ném vợ xuống như ném… quả bóng".
Khi vụ án mới xảy ra, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về Nguyễn Kim Đức, về những lần say rượu đốt nhà, đập chum, chửi vợ hoặc chửi hàng xóm. Cách đây hai năm, trước khi xây nhà mới, vợ chồng cãi cọ, Đức nổi cơn điên đốt căn bếp nhà mình, hàng xóm phải xông vào lôi bình gas ra. Lần khác, tổ dân phố cũng phải vào khuyên can vì Đức chửi vợ nhiều quá. Thậm chí, có người còn nói, Đức bị "hâm hâm" vì uống rượu nhiều.
Nhưng xét đến cùng câu chuyện thì hóa ra cái sự "hâm hâm" của hắn xuất phát từ việc người vợ đã 3 năm nay ốm đau bệnh tật. Chị H. vốn là một người phụ nữ chịu khó, đảm đang, không nề hà việc gì dù khó khăn vất vả, miễn là kiếm được đồng tiền nuôi con. Vì thế, khi bị tai biến dẫn đến liệt, phải ngồi xe lăn, mất khả năng lao động, chị H. luôn mặc cảm, nghĩ mình là đồ bỏ đi và không ít lần nói ra mồm rằng muốn chết. Là người đàn ông trong nhà, xưa nay chỉ quen với việc được vợ chăm sóc, hầu hạ, giờ phải làm công việc chợ búa, bếp núc, giặt giũ, Đức sinh chán nản và thường tìm rượu giải sầu.
Ông T. (ngồi giữa) và bà T. là bố mẹ của bị cáo Nguyễn Kim Đức.
Sáng 1/6/2013, như thường lệ, Đức ngồi uống rượu một mình trước thềm nhà. Trong tâm trạng ngà ngà, hắn quay sang đay nghiến vợ. Đáp lại, chị H. chỉ còn biết than thân trách phận, đồng thời hờn trách Đức thiếu sự quan tâm, chăm sóc vợ con. Trong khi than phiền, chị H. bày tỏ sự chán chường muốn chết.
Và thế là Đức nghĩ rằng vợ… muốn chết thật. Sẵn nỗi chán chường, hắn dắt xe ra cửa và bế người vợ tội nghiệp lên ngồi đằng sau. Đến giữa cầu, hắn hỏi lại vợ một lần nữa, nhưng chị H không trả lời. "Vậy thì xuống sông cho mát nhé" - sau câu nói ấy, Đức bế thốc vợ quẳng xuống sông. Hắn cố biện minh cho hành động khó tha thứ của mình, đó chỉ là sự "giúp đỡ" vợ vì chị H. từng nhiều lần có ý định tự tử. Cái lối biện minh cho tội ác của mình, hắn đã từng sử dụng khi mới bị cơ quan điều tra bắt giữ. Thậm chí, khi ấy, Đức còn tỏ ý muốn được chết theo vợ, lại một lần nữa Đức mang theo để sử dụng trước tòa.
Theo chúng tôi, cho dù trong những phút chán chường, có thể chị H. bộc lộ những suy nghĩ nông nổi thì với trách nhiệm của một người chồng, Đức phải khuyên can, động viên, đằng này, hắn lại "đắm đò giặt mẹt" luôn thể. Tình nghĩa hai mươi năm vợ chồng, được hắn vứt bỏ như vứt một quả bóng (lời của Đức tại tòa). Bất đắc dĩ phải thốt ra những lời muốn được chết, là chị H. đã ở vào tình cảnh cùng quẫn vì nghĩ mình trở thành người thừa, phải ăn bám chồng con. Hơn lúc nào hết, đó là khi người vợ rất cần lời động viên, chia sẻ từ người chồng, chứ không phải là những lời phỉ báng của một kẻ nát rượu.
Cuối cùng thì giây phút những người dự phiên tòa mong muốn nhất cũng đến. Từ đầu đến cuối, tuy liên tục nói ân hận về những gì mình đã gây ra, nhưng những lời biện minh của Nguyễn Kim Đức lại thể hiện ngược lại. Chỉ đến khi được sự cho phép của Hội đồng xét xử, Đức đã quay lại xin được tạ lỗi với người mẹ già, nhờ mẹ chăm sóc bố trong những ngày hắn đi thụ án.
Đức cũng xin lỗi những người thân hai bên nội ngoại và cầu xin hai đứa con trai tha thứ, đồng thời dặn dò các con phải sống tử tế, không được làm gì vi phạm pháp luật như mình. Nghe những lời dặn dò của bố, cậu con trai út càng khóc to hơn. Người mẹ già của Đức cũng thế, bà đưa hai tay bưng lấy gương mặt nhăn nheo, khắc khổ mà khóc.
Điều an ủi duy nhất đối với những người thân của nạn nhân H., đó là xác của chị đã được tìm thấy vào ngay chiều hôm sau, chứ không rơi vào tình cảnh đau đớn mà gia đình nạn nhân Huyền (trong vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường) phải chịu đựng, bởi cho đến bây giờ, xác chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy, sau gần 3 tháng tích cực tìm kiếm.