Vì bị xích suốt nhiều giờ đồng hồ, có khi vì quá khát cô bé đã phải uống cả nước tiểu của mình.
Cảnh sát và nhân viên của tổ chức bảo vệ trẻ em ở Capuchia vừa phát hiện ra một bé gái 4 tuổi bị xích chân 8 tiếng/ngày trong một túp lều ở một ngôi làng gần thị trấn Kemarak Pumin. Sự việc trên đã kéo dài suốt 2 năm qua.
Vì quá nghèo khó, mẹ của bé đã phải đi vay nợ và gán bé cho chủ nợ như một món đồ thế chấp, người chủ nợ này được gọi là mẹ nuôi của bé. Hàng ngày người mẹ nuôi phải đi làm ở nông trại cách xa nhà khoảng gần 1km nên đã xích cô bé tội nghiệp lại, buổi sáng từ 7h đến 11h, buổi chiều từ 1h đến 5h.
Giải thích cho hành động đáng lên án này, người phụ nữ nói rằng vì quá bận nên không thể trông chừng được cô bé.
“Người mẹ nuôi nói rằng bé thường hay đi dầm mưa và gây lộn, cô ta sợ rằng bé có thể bỏ trốn khỏi nhà hoặc bị chết đuối hoặc bị bắt cóc” – Srey Touch, người phụ trách về vấn đề nhân quyền và bảo vệ quyền lợi trẻ vị thành niên của cơ quan cảnh sát địa phương nói.
Mỗi ngày bé gái 4 tuổi bị xích chân vào cột nhà, bé đã phải chịu đựng sự đối xử tồi tệ đó suốt 2 năm trời.
Cô bé nói với cảnh sát rằng có lần vì khát cháy cổ nên đã phải uống cả nước tiểu của mình. Hiện tại bé đang được các nhân viên xã hội chăm sóc.
Keo Chhon, 1 người già trong làng rất bất bình trước việc làm của người mẹ nuôi: "Cháu bé thật đáng thương. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải được chăm sóc cẩn thận. Trói một đứa trẻ vào cột nhà suốt 8 tiếng/ngày như vậy là một hành động vô cùng nhẫn tâm. Biết sự việc tôi không thể nào im lặng được".
Mặc dù con gái bị đối xử tồi tệ đến như vậy nhưng người mẹ ruột nói rằng không thể đón bé về được vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Thông cảm cho hoàn cảnh của người mẹ, cảnh sát đã quyết định không truy cứu trách nhiệm. Về phía người mẹ nuôi, theo báo cáo người phụ nữ này có thể phải ngồi tù.
Tình trạng lạm dụng trẻ em đang ngày càng phổ biến trong những gia đình khó khăn ở Campuchia. Người lớn do không hiểu biết luật bảo vệ trẻ em nên thường đánh đập và bóc lột những đứa trẻ.
“Có đến 75% đến 80% phụ huynh ở Campuchia không được học hành tử tế, họ không biết cách chăm sóc, giáo dục con cái. Cũng rất ít người biết sự việc phản ánh tới cơ quan chức năng” – bà Chhan Sokunthea, 1 người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em cho biết.