Gần 3 năm nay, linh mục Nguyễn Văn Tịch (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã đưa hơn 6.000 sinh linh vô tội bị chối bỏ từ các phòng khám về nghĩa trang thai nhi.
Tại “phòng thai nhi” của mình, linh mục Nguyễn Văn Tịch thổ lộ: “Tôi cảm ơn đời đã cho tình yêu để đồng hành cùng với các thai nhi. Khi làm việc này, tôi không nghĩ xa xôi mà chỉ mong các thai nhi vô tội có một nơi yên nghỉ xứng đáng của một phận đời. Từng có người bảo tôi là mở nghĩa trang thai nhi chẳng khác nào khuyến khích mọi người cứ việc phá thai vì đã có chỗ chôn cất. Tôi không buồn mà vẫn cứ làm. Tôi làm công khai, chính quyền địa phương và mọi người trong khu vực đều biết. Họ rất ủng hộ tôi vì đây là công việc bác ái, từ thiện”.
Trên hành lang nhà xứ giáo xứ Tây Hải (phường Hố Nai), linh mục Tịch cơi nới thành một phòng để thai nhi rộng khoảng 4m2. Trong căn phòng này lúc nào cũng có hoa tươi và một tủ đông. Sau khi cúi mình thành kính, ông đưa tay đẩy cánh cửa tủ đông. “Đây là gần 100 thai nhi tôi đưa về khoảng nửa tháng nay”, ông nói.
Linh mục Nguyễn Văn Tịch đang tắm rửa cho một thai nhi.
Bên trong tủ có khá nhiều lọ to nhỏ, nắp màu vàng, đỏ… được sắp xếp ngăn nắp. Khá nhiều lọ chỉ là một cục máu đỏ sậm. Một số lọ đã cho thấy hình hài những đứa trẻ ngồi co quắp, mắt nhắm nghiền, sầu khổ, có lọ gắn cả tên người mẹ sinh ra đứa bé.
Ông bảo, có ngày ông nhận 5 thai nhi, có những thai nhi chỉ cần chờ thêm vài ngày là khóc tiếng khóc đầu đời. Mỗi thai nhi khi đưa về được chính tay cha Tịch tắm rửa sạch sẽ tại căn phòng này. Sau đó, thai nhi sẽ được cho vào lọ đã được sát trùng rồi để vào tủ đông.
Cứ thế đến cuối tháng, con số thai nhi vôi tội nằm trong tủ đông này lên đến khoảng 200. Cha Tịch cho biết sau mỗi tháng “thu gom” ông sẽ tiến hành làm thánh lễ thai nhi và đưa số thai nhi này ra nghĩa trang chôn cất. Riêng những thai nhi hơn 6 tháng tuổi, sau khi đưa về sẽ được hỏa thiêu mới đem chôn.
Địa bàn ông đi “thu gom” thai nhi chủ yếu ở TP Biên Hòa với 7 phòng khám tư nhân. Các bệnh viện nhà nước ông vẫn chưa tiếp cận được. “Tôi đã làm đơn gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị được nhận các thai nhi về chôn cất nhưng vẫn chưa nhận được trả lời”, cha Tịch cho biết.
Một số trường hợp bố mẹ trực tiếp đem con đến gửi chôn cất. Có gia đình bảy lần đem con đến nằm lại trong cái tủ đông. Có những người tận TP.HCM cũng xin được gởi con nằm lại trong nghĩa trang hài nhi của cha Tịch.
Chiếc tủ đông với những chiếc lọ đựng các thai nhi.
Cha Tịch kể: "Trước ngày tôi đến ông nhận được 4 cú điện thoại từ TP HCM của 4 trường hợp muốn bỏ con. Sau khi nghi cha Tịch khuyên nhủ hai trường hợp quyết giữ lại con, một trường hợp do dự và một nhất quyết bỏ con. “Họ bỏ con dễ dàng quá, tôi đã nói hết cách rồi, thật buồn khi biết mà không cứu được các sinh linh nhỏ bé”, ông buồn bã.
Theo cha Tịch, trong số những người bỏ con, phần lớn là công nhân, học sinh - sinh viên, thậm chí trẻ vị thành niên. Anh Phạm Quốc Vinh, một người đi nhận thai nhi, cho biết cứ sau mỗi dịp lễ tết một thời gian, số lượng thai nhi anh nhận được từ các phòng khám tăng đột biến.
Nghĩa trang thai nhi rộng khoảng 100m2. Đây là mảnh đất được những người hảo tâm góp tiền mua rồi biếu tặng cha Tịch. Một công viên nghĩa trang hài nhi đã thành hình với cây xanh và hoa cỏ. Theo linh mục, ở đây có tới 6.000 sinh linh đang được chôn cất. Sau khi đầy một lớp thai nhi sẽ được phủ một lớp xi-măng. "Với tốc độ số lượng thai nhi được nhận như hiện nay, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ không còn chỗ cho những sinh linh 'đi sau, đến muộn' do quỹ đất có hạn”, cha Tịch băn khoăn.
Điều đáng mừng là dường như “tốc độ nạo phá thai” đang có chiều hướng giảm dần. Anh Vinh cho biết, nếu như trước đây mỗi tháng anh nhận được khoảng 300 thai nhi thì giờ đã giảm xuống còn hơn một nửa.
Linh mục Nguyễn Văn Tịch đang nâng niu một lọ đựng thai nhi
được lấy ra từ tủ đông.
“Tôi cũng nghĩ rằng việc làm của mình đang có những tác động ít nhiều đến xã hội, nhất là tình trạng nạo phá thai trong khu vực. Thực tế tình trạng nạo phá thai trong khu vực đang giảm dần. Trong mỗi thánh lễ thai nhi tôi đều khuyên nhủ mọi người về sự sống. Phải bảo vệ sự sống và ngừng việc phá thai”, cha Tịch cho biết.
Để công việc bảo vệ sự sống của mình hiệu quả hơn, sau khi thành lập nghĩa trang hài nhi, cha Tịch cũng lập nhà tạm lánh cho chị em lỡ mang thai. Tại nhà tạm lánh này, hiện có khoảng 30 chị em đang ở. Không chỉ có được chỗ ăn, chỗ nghỉ để chờ giờ “vượt cạn”, những chị em này còn được tạo công ăn, việc làm kiếm thêm thu nhập để trang bị cho mình khi nuôi con.
Theo linh mục Tịch, ông đang xây thêm một nhà tạm lánh cho phụ nữ lỡ mang thai. Ông cho rằng, chỉ cần cứu được 1-2 sinh linh là một việc đáng để làm cho dù đời có vất vả.
Ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch UBND phường Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai cho biết: "Tôi đã nghe rất nhiều về việc linh mục Nguyễn Văn Tịch làm nghĩa trang hài nhi. Tôi cho rằng đấy là một việc làm rất tốt mang đầy tính nhân bản trước tình trạng nạo phá thai hiện nay. Chính quyền địa phương đánh giá rất cao và ủng hộ việc làm này".