Xung quanh vấn đề bồi thường thiệt hại cho ông Chấn, trong trường hợp ông chính thức được minh oan, tờ Tiền Phong đưa tin, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: “Cục Bồi thường Nhà nước cũng đã tham mưu cho Bộ Tư Pháp những thiệt hại xác định được theo định lượng để tính toán bồi thường cho ông Chấn như tổn thất tinh thần trong thời gian bị giam giữ tù oan (khoảng 560 triệu). Các khoản khác ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế, từ đó các cơ quan thẩm quyền sẽ có cân nhắc, quyết định bao gồm cả những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, tài sản thu nhập thực tế bị mất…”.
Trao đổi với chúng tôi về điều này, cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út, hiện là Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm nêu quan điểm, về việc bồi thường vụ ông Chấn, ngoài khoản tổn thất tinh thần trong thời gian bị giam giữ tù oan thì ông Chấn còn được bồi thường các vấn đề sau:
Theo điều 45 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì ông Chấn được bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Tài sản ở đây căn cứ vào biên bản tạm giữ tài sản, bản án tuyên bố việc xử lý tài sản có liên quan đến vụ án giết người mà ông bị tuyên bố phạm tội, hoặc tài sản được kê biên phát mãi để thực hiện phần án phí và trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự (bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị hại).
Chẳng hạn, tài sản là nhà cửa dùng để đảm bảo việc thi hành án về trách nhiệm dân sự đã được phát mãi để bồi thường cho gia đình người bị hại… (nếu có).
Theo điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì ông Chấn được bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Pháp luật chưa quy định cụ thể việc bồi thường tính thu nhập thực tế của người bị oan trong hoạt động tố tụng được tính kể từ ngày khởi tố vụ án, hay ngày khởi tố bị can, hay ngày bị tạm giữ, tạm giam. Do đó, ông Chấn có thể yêu cầu theo mốc nào mà ông Chấn chứng minh được thời điểm bị mất thu nhập.
Về mức thu nhập thực tế bị thiệt hại thì căn cứ vào hoạt động nghề nghiệp của ông Chấn tại thời điểm bắt đầu bị vướng vào quy trình tố tụng, hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
Ông Nguyễn Thanh Chấn.
Nếu không chứng minh được mức thu nhập của ông vào thời điểm này thì sẽ được tính theo mức lương tối thiểu, từ 1.900.000đ/ tháng đến 2.700.000đồng/ tháng (theo quy định tại Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động) nhân với số ngày mà ông Chấn cho rằng mình bị thiệt hại do mất thu nhập.
Theo điều 49 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì ông Chấn được bồi thường thiệt hại do tổn hại về sức khoẻ .
Đây là vấn đề khó chứng minh dù rằng ông Chấn cho rằng mình bị bức cung, nhục hình dẫn đến việc nhận tội không đúng sự thật khiến ảnh hưởng đến tổn hại về sức khỏe.
Tuy nhiên, vấn đề này giữa ông Chấn và cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể thông qua thương lượng để được đền bù.
Ngoài ra, theo điều 50, 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì ông Chấn được trả lại tài sản bị giữ, bị phát mãi (nếu có), được khôi phục danh dự trong hoạt động tố tụng hình sự bằng hình thức xin lỗi trực tiếp và công khai; Đồng thời phải đăng 3 số báo liên tiếp trên báo TƯ và địa phương về việc xin lỗi này.
Riêng việc bồi thường tổn thất thiệt hại tinh thần thì phải căn cứ vào Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động) nhân với số ngày mà ông Chấn bị tạm giữ, tạm giam là 3.686 ngày, nhân 3 lần.
Cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út, hiện là Giám đốc Công ty Luật
TNHH MTV Phạm Nghiêm. (Ảnh: Internet)
Như vậy, chỉ riêng phần bồi thường này, con số thiệt hại đã lên tới 995.220.000 đồng (tức 90.000đồng/ ngày nhân với 3.686 ngày bị giam giữ, nhân ba lần), chứ không phải chỉ 560.000.000 đồng như Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định.
Vì mức lương cơ bản mà ông Tịnh nêu chỉ là mức lương chi trả từ ngân sách Nhà nước không phải là mức lương cơ bản hoạt động ngoài phạm vi ngân sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét